Thị trường laptop cũ hiện nay vẫn đang phát triển mạnh, tập trung đối tượng khách hàng là sinh viên, người có thu nhập trung bình.
Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay công nghệ phụ giúp rất nhiều cho công việc, cuộc sống và những chiếc máy tính xách tay là 1 thiết bị điển hình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đáp ứng được mức giá của những chiếc laptop mới đủ cho nhu cầu sử dụng. Do đó, laptop cũ là giải pháp giúp cho những người thu nhập thấp vẫn có thể có được 1 chiếc máy tính xách tay đáp ứng nhu cầu.
Tình hình thị trường laptop second-hand.
Qua thăm dò thị trường tại những cửa hàng bán laptop cũ trên các phố như Lê Thanh Nghị, Khuất Duy Tiến hay Thái Hà, được biết trong khoảng thời gian tháng 8, 9 là khoảng thời gian tân sinh viên bắt đầu nhập học lượng bán ra cao hơn hẳn chứng tỏ sức hút từ thị trường này với các sinh viên là rất lớn. Trong những dịp như thế này, trung bình 1 ngày mỗi cửa hàng có thể bán ra từ 5-8 máy.
Mặt hàng mà các cửa hàng tập trung chủ yếu là những dòng máy business cũ như HP Elitebook, Dell Latitude hay Lenovo Thinkpad do đặc thù về độ bền cao và cấu hình tốt của nó. Mức giá của các loại máy cũ cũng rất đa dạng chỉ từ khoảng 3 triệu đồng trở lên.
Nhân viên bán hàng tại 1 cửa hàng trên Thái Hà cho biết: "Những dòng máy hiện đang bán chạy thường là những dòng máy business sử dụng chip Intel Core I5 hoặc Core I7 thế hệ 2 vì máy sử dụng mát, độ bền cao, chưa phải là lỗi thời và giá cả phải chăng, chẳng hạn như HP Elitebook 8460p hiện có giá 7.900.000 đồng hoặc Thinkpad T420 cũng chỉ với giá 7.700.000 đồng."
Laptop cũ hướng tới đối tượng khách hàng nào?
Dĩ nhiên laptop cũ rất thích hợp với đối tượng là sinh viên nhưng ngoài sinh viên ra thì những người có thu nhập trung bình cũng là những khách hàng tiềm năng trong thị trường này. Với người có thu nhập trung bình thì họ không có yêu cầu cao về cấu hình chỉ cần chất lượng máy tốt và giá cả phải chăng là đủ đáp ứng nhu cầu của họ.
Khi được hỏi về đối tượng khách hàng, nhân viên kinh doanh 1 cửa hàng trên đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: "Laptop đã qua sử dụng hướng tới đối tượng có thu nhập trung bình và sinh viên, để có thể học tập và làm việc 1 cách hiệu quả nhất thì những chiếc máy cấu hình thấp sẽ không thể phục vụ đủ nhu cầu của đối tượng khách hàng này và những chiếc máy mới đủ nhu cầu thường có giá từ 10 triệu đồng trở lên. Mặc dù vậy chỉ từ 6 triệu đồng thì khách hàng cũng đã có thể chọn mua được 1 chiếc máy tính xách tay cũ với cấu hình như ý của các nhà sản xuất nổi tiếng như Lenovo Thinkpad, Dell, HP…"
Những sản phẩm này có sức hút thế nào với khách hàng?
Bạn Vũ (Trường Chinh, Hà Nội), 1 khách hàng cho biết:
"Mình học ngành công nghệ thông tin nên rất cần 1 chiếc máy xách tay có cấu hình cao để tiện việc học tập, nhưng do điều kiện không đủ để mua 1 chiếc máy mới nên mình đã tìm đến những cửa hàng bán laptop cũ và đã chọn cho mình được 1 chiếc Thinkpad T420 với giá 7.700.000 đồng."
Với mức giá chỉ khoảng 1 nửa so với những chiếc máy mới thì không chỉ sinh viên cả những người đã đi làm cũng cảm thấy thích thú với những sản phẩm "lướt" này.
Theo Chị Tâm (Minh Khai, Hà Nội) giảng viên Tiếng Anh:
"Là 1 giảng viên Tiếng Anh, mình cũng không có nhu cầu sử dụng 1 chiếc máy cấu hình cao chỉ cần dùng tốt các ứng dụng văn phòng, lướt web, máy nhỏ, gọn, nhẹ và có cổng VGA để kết nối với máy chiếu nên mình quyết định mua chiếc HP mini 5103 cũ giá 2.900.000 để giảm thiểu chi phí."
Khi bỏ tiền ra mua 1 chiếc máy đã qua sử dụng đương nhiên khách hàng vẫn sẽ có tâm lý lo lắng do không phải hàng chính hãng. Bạn Thắng (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết:
"Thực sự trước khi mua mình cũng có tìm hiểu trên các diễn đàn công nghệ và được biết về những cửa hàng làm ăn kém uy tín và cũng được mọi người trên diễn đàn tư vấn về cửa hàng bán nào tốt, chăm sóc sau bán hàng nghiêm chỉnh. Sau khi tới cửa hàng thì mình thấy yên tâm hơn hẳn khi chủ cửa hàng mở máy ra xem main, linh kiện bên trong và cam kết bảo hành 3 tháng kèm hỗ trợ chi phí sửa chữa trọn đời máy."
Khi chọn mua laptop cũ cần chú ý điều gì?
Dù laptop cu có rất nhiều ưu điểm tuy nhiên bên cạnh đó cũng có khá nhiều rủi ro, hầu hết các cửa hàng chỉ bảo hành sản phẩm trong 3 tháng. Nếu so sánh với bảo hành từ 1 đến 2 năm của máy chính hãng thì rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ hơn. Điều đó đòi hỏi khách hàng khi mua máy cần tìm hiểu rõ sản phẩm và kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi mua đồng thời lựa chọn 1 cửa hàng có uy tín. Anh Quốc Anh (Hoàng Cầu, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm mua laptop cu:
"Vì thời hạn bảo hành máy ngắn nên khi mua máy cũ mình thường hướng tới những dòng máy business nhập khẩu của các thương hiệu lớn vì dòng máy này có độ bền rất cao. Việc lựa chọn các cửa hàng uy tín qua các diễn đàn công nghệ cũng là cần thiết. Kiểm tra kỹ lưỡng xung quanh máy xem có vênh, sứt hay vỡ không. Trước khi mua mình có dùng những phần mềm khá thông dụng để kiểm tra các chức năng của máy ví dụ như Battery Mon để kiểm tra pin hay Hd Sentinel để kiểm tra ổ cứng… Ngoài ra mình cũng check thông tin máy qua service tag hoặc serial number trên máy."
Còn theo 1 nhân viên kỹ thuật tại 1 cửa hàng trên Lê Thanh Nghị cho biết:
"Khách hàng đi mua máy có thể tự chuẩn bị cho mình 1 chiếc USB với đầy đủ phần mềm test cơ bản các chức năng hoặc yêu cầu nhân viên bán hàng test cho mình vì hầu hết các cửa hàng đều đã có phần mềm test sẵn có. Kiểm tra kỹ sạc cũng là 1 việc nên làm, chất lượng của sạc cũng ảnh hưởng nhiều tới độ bền của pin và máy. Nếu có được 1 số tiền kha khá, người dùng có thể tìm lựa chọn những chiếc máy vẫn còn bảo hành của hãng để được bảo hành dài hơi, nếu mua những sản phẩm như vậy thì cần xem kỹ các tem có còn lành lặn không để xác định máy đã mở hay chưa."
Tạm kết
Có thể nói, thị trường máy tính xách tay cũ hiện nay vẫn đang phát triển rất mạnh, tập trung vào đối tượng khách hàng là sinh viên, người có thu nhập trung bình với các ưu điểm như cấu hình cao, giá thấp. Tuy nhiên để chọn lựa được 1 chiếc máy ưng ý cũng không phải dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua. Vậy đâu là những "bí kíp" giúp chọn mua laptop cũ ưng ý? Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc thông tin chi tiết về vấn đề này trong những bài phóng sự tiếp theo.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét