Mọi người thường quan niệm chỉ những người đã quan hệ tình dục mới bị bệnh chỗ kín. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thực tế, nhiều bé gái ở độ tuổi dậy thì phải tới bệnh viện điều trị do viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
Dễ tái phát do không thể đặt thuốc
Viêm nhiễm bộ phận sinh dục chiếm tỷ lệ từ 70-80% trong các bệnh lý phụ khoa. Viêm nhiễm phụ khoa ở độ tuổi dậy thì đang ngày một gia tăng. Bác sĩ (BS) Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM từng điều trị bệnh vùng kín cho không ít bé gái ở độ tuổi từ 12-13.
Các bé gái thường không biết cách vệ sinh vùng kín. Ngoài ra, việc đi học cả ngày ở trường cũng là những yếu tố khó khăn để giữ vệ sinh tốt. Các bé lại không có thói quen thông báo với người lớn các bất thường, đến khi không thể nào chịu nổi thì bệnh đã quá nặng. Nhiều người nhầm lẫn rằng ở tuổi dậy thì, khi chưa có quan hệ tình dục thì không thể có sự xâm nhập của vi trùng và khó có nguy cơ viêm nhiễm. Điều này hoàn toàn sai lầm.
Khu vực âm đạo, âm hộ thường xuyên bị vi trùng xâm nhập từ ngoài da, đường tiêu hóa (gần hậu môn). Vì thế, các vùng này rất dễ bị viêm nhiễm nếu không biết cách giữ vệ sinh.
Các bé gái mặc quần áo chật, đổ mồ hôi nhiều, rất dễ bị nhiễm nấm âm hộ, âm đạo vì môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Những bé gái bị nhiễm giun, đặc biệt là giun kim, nếu không được điều trị rất dễ bị viêm nhiễm âm đạo.
Rất ít bé gái tự đi khám hoặc hỏi ý kiến mẹ hoặc chị gái, hầu hết các em chỉ rửa bằng nước sạch, một số dùng xà bông để rửa vùng kín, một số lại tự thụt rửa sâu âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc. Đây là nguyên nhân khiến số lượng trẻ dậy thì mắc bệnh vùng kín gia tăng.
Chứng viêm nhiễm đường sinh dục tuy không gây hại trực tiếp đến tính mạng nhưng gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân. Viêm âm đạo ở lứa tuổi dậy thì rất khó điều trị và dễ tái phát, vì trẻ không thể dùng các loại thuốc đặt âm đạo do sợ tổn thương màng trinh.
Kháng thuốc do tự ý điều trị
BS Diễm Tuyết cho biết, khá nhiều bệnh nhân đã tự mua thuốc điều trị khi “cô bé” ngứa ngáy, tiết dịch hôi bởi xấu hổ không dám kể với cha mẹ, sợ phải vào bệnh viện.
“Việc tự dùng thuốc có thể gây kháng thuốc và làm BS gặp khó khăn khi chẩn đoán bệnh. Nếu bị viêm nhiễm âm đạo mà lạm dụng thuốc kháng viêm không có chỉ định của BS, có thể làm bệnh nặng hơn”, BS Tuyết khuyến cáo.
Để phòng ngừa viêm nhiễm vùng kín ở bé gái trong độ tuổi dậy thì, BS Tuyết khuyên nên tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hằng ngày. Đặc biệt, các bé phải luôn giữ khô ráo vùng kín: dùng khăn giấy lau khô sau mỗi lần tắm rửa, đi vệ sinh.
Lưu ý, không sử dụng khăn, vật lạ đưa vào trong để lau âm đạo, âm hộ. Tránh mặc quần chật, cần thay quần lót thường xuyên. Sử dụng băng vệ sinh đúng cách cũng làm giảm bớt nguy cơ viêm nhiễm vùng kín. Cụ thể, băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và thay băng sau bốn giờ sử dụng. Các bé không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín. Khi có mụn mủ, viêm nang lông vùng kín, cần đi khám và điều trị, không tự ý làm vỡ mụn mủ. Ngoài ra, cần uống thuốc tẩy giun. Khi có dấu hiệu ngứa rát bộ phận sinh dục, sưng tấy hoặc tiểu rát… các bé cần nói với cha mẹ để được đưa đi khám ngay. Nếu để nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, để lại hậu quả khó lường.
Nguồn: Suckhoegioitinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét